ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN MỚI
Họ và tên
Tên đăng nhập (Viết liền, không dấu, tối đa 20 ký tự)
Địa chỉ Email (Dùng khi Quên mật khẩu)
Mật khẩu (Tối thiểu 6 ký tự, tối đa 12 ký tự)
Xác nhận
Mật khẩu
Loading...

TỘC ƯỚC - GIA PHÁP:

Dự thảo Tộc ước- Họ Nguyễn Văn, thôn Phục Lễ, Hoằng Lưu, Hoằng Hóa, Thanh Hóa

 

TỘC ƯỚC - GIA PHÁP:

(Bản thảo)

 Họ Nguyễn thôn Phục Lễ - Hoằng Lưu -  Hoằng Hóa – Thanh Hóa

Để tỏ lòng tôn kính Tổ Tiên, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và tăng cường mối quan hệ tình cảm huyết thống, thế thứ họ hàng của dòng Họ Nguyễn, phù hợp với xã hội mới, nền văn hoá mới của đất nước. Đồng thời để kết hợp hài hoà giữa việc tổ chức sinh hoạt dòng họ với các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống trong địa bàn dân cư”, “Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Xoá đói giảm nghèo”,...do Đảng, Nhà nước và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, vv..., Tôi có đề xuất một số quy định về Tộc ước của dòng họ Nguyễn trên cơ sở tham khảo một số tài liệu mong nhận được sự góp ý của Bà con dòng họ Nguyễn với nội dung như sau:

I. Quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của những người trong họ

1.Tất cả mọi người trong từng gia đình, từng Chi và Tiểu chi thuộc dòng họ Nguyễn chúng ta đều thờ chung một thuỷ tổ, cùng có mối quan hệ tình cảm huyết thống, có trách nhiệm giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của cả họ.Con dâu và con nuôi trong gia đình họ Nguyễn đã được pháp luật công nhận, đều có quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm thờ phụng Tổ Tiên, chăm lo việc họ như mọi thành viên khác trong gia đình.

2. Những người là nam giới từ trẻ đến già thuộc nội tộc (kể cả con nuôi hợp pháp) đều có nghiã vụ đóng góp kinh phí, công sức góp phần xây dựng, tu bổ Nhà Thờ, Mộ Tổ,...đúng với quy định của họ, của Hội đồng Nguyễn đại tộc. Con gái, con rể và các cháu, chắt bên ngoại gần , xa có lòng hiếu nghĩa, tự nguyện đóng góp, cung tiến xây dựng Nhà Thờ, Mộ Tổ và dâng hương,...phụng sự Tổ Tiên, đều được ghi nhận vào Sổ vàng công đức như mọi thành viên trong họ

3. Họ có Trưởng tộc, Chi có Chi trưởng và các Tiểu chi, các Nhánh trưởng trực thuộc. Bởi vậy, xưng hô phải theo đúng trật tự trên dưới, thế thứ họ hàng.
Trưởng tộc chịu trách nhiệm chung trước Tổ Tiên và Dòng Họ, bảo đảm tổ chức thực hiện tốt Tộc ước, quản lý và bổ sung Tộc phả, duy trì thờ cúng Tổ Tiên của toàn dòng họ theo đúng lệ ngạch.
Chi trưởng, các Trưởng tiểu chi, các Ngành trưởng chịu trách nhiệm bảo đảm tổ chức thực hiện tốt Tộc ước, quản lý và bổ sung gia phả, tộc phả và thờ cúng Tổ Tiên, ông bà, cha mẹ mình được chu đáo.

4. Trưởng tộc, Trưởng chi phải chú ý phát huy vai trò của các cụ Trùm và các bậc cao niên trong họ;  cùng bàn bạc để tổ chức chỉ đạo duy trì tốt yêu cầu nội dung kế hoạch triển khai việc lễ Tổ trong những dịp Tết, Thanh minh, Chạp Tổ Họ, Tổ Chi,... phù hợp với khả năng và điều kiện, mọi người đoàn kết, vui vẻ, phấn khởi.
Ngày Rằm, Mùng Một âm lịch hàng tháng, đều tiến hành hương đăng.Trước ngày Tết Nguyên đán, trước Thanh Minh phải có kế hoạch sửa sang bồi đắp Mộ Tổ.

5. Việc thăm hỏi, ốm đau, hiếu hỉ, mừng thọ, đỗ đạt, thăng tiến,...chủ yếu tiến hành trong Chi họ. Những trường hợp sau đây thì áp dụng chung trong cả họ:

- Ốm đau do thời tiết, cảm cúm thông thường, điều trị ở nhà dăm ba hôm thì các gia đình ruột thịt và các gia đình trong họ gần kề sẽ qua lại thăm hỏi động viên

.Khi gia đình nào trong Chi gặp rủi ro, hoạn nạn thì Hội đồng gia tộc vận động các gia đình trong Chi đến thăm hỏi, giúp đỡ. Nếu cần thì vận động quyên góp trợ cấp, giúp đỡ kịp thời

.Những gia đình có đám hiếu (người quá cố là ông bà, cha mẹ, hoặc chủ sự của gia đình) thì cần báo ngay để Chi trưởng cùng Hội đồng gia tộc đến nhà có việc hiếu để trao đổi về kế hoạch tổ chức tang lễ và phân công hỗ trợ chủ nhà ngay từ buổi đầu lễ tang. Hội đồng gia tộc cần phối hợp với cơ quan đoàn thể sở tại, với tang quyến và Chính quyền địa phương thành lập Ban tang lễ, tổ chức phúng viếng và truy điệu, tổ chức đưa tang chu đáo. Nếu người quá cố thuộc diện con cháu trẻ tuổi thì đến chia buồn với gia đình.
.Những người là Trưởng Chi, Trưởng Họ, Trùm Họ, khi đến tuổi được mừng thọ hoặc khi ốm đau phải  điều trị ở bệnh viện, khi tạ thế,...thì ngoài Chi sở tại, các Chi khác và Hội đồng Phạm đại tộc đều có trách nhiệm tổ chức chúc mừng, thăm hỏi, phúng viếng.

Các gia đình khánh thành nhà mới, nhà có đám cưới hỏi,..thì việc đi dự và chúc mừng là do sự tự nguyện của các thành viên trong họ.

Trai gái trong Chi Họ đang chung dòng huyết tộc thì không được lấy nhau, theo đúng pháp luật quy định.
Những thanh thiếu niên, sinh viên học giỏi, được Nhà nước cho đi học nước ngoài, tốt nghiệp đại học và trên đại học; những Nhà giáo, Thày thuốc, những nhà khoa học, các sĩ quan quân đội nhân dân và công an nhân dân được Nhà nước phong hàm, phong cấp ( Bên quân đội và Công an thì từ Trung uý trở lên, bên dân sự thì từ cẩp phó trưởng ngành huyện và tương đương trở lên); những người được Nhà nước tặng huân huy chương các loại; những người được tặng danh hiệu anh hùng, được tặng huy hiệu 40 năm tuổi Đảng trở lên thì được khen thưởng.

6. Mọi người phải có ý thức tìm hiểu về cội nguồn, Tổ tiên để tiếp tục bổ sung đầy đủ Tộc phả, chấp hành nghiêm những quy định trong Tộc ước, phải có trách nhiệm bảo vệ danh dự, uy tín của dòng họ.
Mỗi khi tổ chức sinh hoạt, giỗ Tổ, Thanh minh, Mừng thọ, Hiếu, Hỉ,...trong các gia đình, các Chi và dòng họ, đều cần phải có sự bàn bạc, phân công chuẩn bị chu đáo, đến họp đông đủ, đúng thành phần quy định và ăn mặc lịch sự. Mọi việc tổ chức cần bảo đảm yêu cầu về nội dung và hình thức đạt chất lượng cao, phù hợp với đường lối chung của Nhà nước và những quy định của địa phương. Nghiêm cấm tổ chức tuỳ tiện, xa hoa lãng phí, ăn uống quá chén, nói năng thiếu văn hoá ảnh hưởng đến tình đoàn kết và an ninh trật tự tại địa phương.

II. Tiếp tục phấn đấu học tập, giữ  gìn phẩm chất đạo đức và nâng cao uy tin dòng họ.

Chúng ta đều biết, trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, Họ Nguyễn đã từng có nhiều anh hùng, cùng trăm họ góp phần bảo vệ, xây dựng và tô điểm cho non sông đất nước, đã được lưu danh trong sử sách, do đó bổn phận những người thuộc dòng họ Nguyễn, dù bất cứ nơi đâu cũng phải tích cực học tập, tu dưỡng, nâng cao trình độ kiến thức, giữ gìn phẩm chất đạo đức và phát huy vai trò, vị thế của dòng họ, bằng cách:

1.Tất cả các chi , các tiểu chi và từng gia đình, từng thành viên trong họ đều có trách nhiệm đăng ký với họ, với cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội nơi mình công tác và sinh sống thực hiện nội dung của các cuộc vận động do Chính phủ và UBMTTQVN phát động như: “ Toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hoá trên địa bàn dân cư”, “ăn tiêu, sinh đẻ có kế hoạch”, “Xoá đói  giảm nghèo”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”...Kiên quyết không để thói hư tật xấu và các tệ nạn xã hội len lỏi vào gia đình mình, Chi Họ mình

.2. Những người lớn tuổi như các cụ Trùm họ, Trưởng tộc, Chi Trưởng và những người là chủ sự gia đình, là cán bộ, bộ đội và thanh niên nam nữ trong gia đình phải là đầu tầu, gương mẫu, đoàn kết, quyết tâm xây dựng nếp sống mẫu mực. Luôn luôn nêu gương sáng về phẩm chất và đạo đức trong gia đình và xã hội. Phải có trách nhiệm nuôi dưỡng ông bà, cha mẹ, chăm sóc giáo dục con em, cháu chắt mạnh khoẻ, chăm ngoan, học hành tiến bộ. Gia đình nào cũng có biện pháp thực hiện tốt cuộc vận động “ăn tiêu, sinh đẻ có kế hoạch”, “Xoá đói giảm nghèo”, làm ăn chính đáng, nói và làm đúng pháp luật, sống có kỷ cương, trên kính dưới nhường; xưng hô phải theo đúng phép tắc trên dưới, thế thứ họ hàng; nói năng, chào hỏi phải nhẹ nhàng lịch sự (Không nói trống không, không nói mày tao chi tớ); thái độ giao tiếp với dân làng, xóm phố cũng phải chan hoà, đúng mực

3. Những người là cán bộ, đảng viên, công nhân thoát ly hoặc tham gia công tác ở địa phương (kể cả lực lượng vũ trang) vừa phải phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vừa phải ra sức khắc phục khó khăn tiếp tục học tập nâng cao trình độ văn hoá, ngoại ngữ, chính trị, nghiệp vụ hoặc nâng cao trình độ tay nghề, tăng tiến về các mặt để theo kịp với đà phát triển của xã hội

Đối với lớp tuổi trẻ (con cháu nội ngoại trong họ) dù ở đâu cũng phải tích cực học tập văn hoá, khoa học kỹ thuật, ngoại ngữ,...ở các cấp học để trở thành con ngoan trò giỏi, đỗ đạt cao. Đặc biệt là những cháu có năng khiếu, có biệt tài thì gia đình và chi họ, dòng họ cần quan tâm tạo điều kiện, động viên, giúp đỡ để các cháu đó được học đến nơi đến chốn để xứng đáng với truyền thống hiếu học và đỗ đạt cao của dòng họ Nguyễn Việt Nam

.4. Những con cháu học văn hoá từ trường tiểu học đến trung học phổ thông và đại học, trên đại học có thành tích vượt khó học giỏi xuất sắc liên tục được Nhà trường cấp bằng khen hằng năm thì các Chi họ tổ chức tiếp xúc biểu dương tặng quà lưu niệm động viên kịp thời.

.Những gia đình trong họ được cơ quan, đoàn thể, từ xã phường trở lên khen thưởng gia đình “ Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “đoàn kết xây dựng cuộc sống văn hoá trong địa bàn dân cư” 3 năm liền, những người đạt danh hiệu sản xuất giỏi cấp quận huyện 4 năm liền trở lên, những người được bầu là Chiến sĩ thi đua 3 năm liền trở lên; những con em học tập thi học sinh giỏi cấp III trong tỉnh, thành phố đạt giải nhất, nhì, và từ giải 3 trở lên ở cấp quốc gia, quốc tế, hoặc thi đỗ cùng lúc vào cả 3 trường đại học đều được ghi tên vào Sổ Vàng danh dự, được cẩn cáo Tổ Tiên trong Chi.

Con cháu không có ý thức thực hiện Tộc ước, không chung sức, chung lòng lo toan việc họ, hoặc gây mất đoàn kết trong gia đình, trong Chi, trong Họ, có những hành động xấu trái với đường lối chính sách, pháp luật của Nhà nước thì các Chi và Hội đồng gia tộc phải dùng mọi biện pháp, mọi hình thức, kiên trì giúp đỡ, giáo dục. Nếu người đó không chịu lắng nghe, không tu chí sửa chữa khắc phục, dẫn đến tù tội, làm ảnh hưởng đến thanh danh dòng họ “Con sâu để rầu nồi canh” thì họ phải xử lý cảnh cáo, thông báo trong Chi, trong Họ. Khi mãn hạn trở về thì gia đình và Chi họ sẵn sàng gần gũi , giúp đỡ phấn đấu tiến bộ.

to Top