ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN MỚI
Họ và tên
Tên đăng nhập (Viết liền, không dấu, tối đa 20 ký tự)
Địa chỉ Email (Dùng khi Quên mật khẩu)
Mật khẩu (Tối thiểu 6 ký tự, tối đa 12 ký tự)
Xác nhận
Mật khẩu
Loading...

GIỚI THIỆU VỀ DÒNG HỌ TRẦN HỮU XÃ THANH LĨNH

Họ Trần Hữu tại Thanh Lĩnh, Thanh Chương, Nghệ An phát tích từ đời Mạnh tổ tướng quân Trần Hữu Lý. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dòng họ ngày nay đã kéo dài hơn 8 đời, phát triển theo chiều dài lịch sử của dân tộc. Nhân số của dòng họ tuy không nhiều nhưng luôn bảo ban, đùm bọc lẫn nhau, hỗ trợ nhau trong cuộc sống.

I. Tổ phụ 
Họ Trần Hữu tại Thanh Lĩnh, Thanh Chương, Nghệ An bắt đầu từ Mạnh tổ tướng quân Trần Hữu Lý. Theo như gia phả để lại thì đức Mạnh tổ ngày xưa ở vùng Đại Sơn, Đô Lương chuyển về vùng truông Dùng, Thanh Chương sinh sống. Do thời ấy, vùng này đang hoang sơ, cây cối rậm rạp, cướp bóc lợi dụng địa thế để làm loạn nên cụ đã chuyển về vùng làng Đông, xã Thanh La (thôn Hồng, Thanh Lĩnh ngày nay) sinh sống. Sau cách mạng tháng Tám, theo chính sách di dân của Đảng và Nhà nước, cộng với vùng Lĩnh Hồng gần sông hay bị ngập lụt nên đã chuyển về thôn Thủy, Thanh Lĩnh để định cư. Hiện nay, nhà thờ họ tọa lạc tại thôn Thủy, do ông Trần Văn Phớn, tộc trưởng đời thứ 6 trông nom. 
Các đời tộc trưởng trước đã cất công đi tìm nguồn gốc dòng họ nhưng vẫn chưa tìm được. Đời ông Trần Văn Cán, tộc trưởng đời thứ 5, đã đi gặp và tìm đọc gia phả của các dòng họ Trần trên đất Thanh Chương, Anh Sơn, Yên Thành... nhưng vẫn không tìm thấy manh mối. Đến đời ông Trần Văn Phớn cũng đã bỏ bao công sức để đi tìm. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, có một manh mối về dòng họ tại Hiến Sơn, Đô Lương. Các ông Trần Văn Phớn, Trần Văn Bình (Tú), cùng con cháu là Trần Văn Hữu, Trần Thanh Tâm đã tìm đến dòng họ Trần tại Hiến Sơn, Đô Lương để thực tế. Tại đây, mọi người đã được tộc trưởng họ Trần ở Hiến Sơn đón tiếp niềm nở, ân cần như người ruột thịt. Qua thực tế gia phả họ Trần tại Hiến Sơn thì có một người con trai tên là Trần Hữu Lý, ông này sau đi đâu không rõ. Tính theo đời thì khớp với đời đức Mạnh tổ họ Trần ở Thanh Lĩnh. Tuy nhiên, cuốn gia phả chữ Nho của họ Trần ở Hiến Sơn chỉ nói đến đời cha của ông Trần Hữu Lý, còn từ đời ông Trần Hữu Lý thì dòng họ này tách gia phả. Như vậy, ở Hiến Sơn có 2 chi họ Trần. Chi họ Trần mà nhóm ông Trần Văn Phớn tìm đến là chi em. Theo ông tộc trưởng chi này kể thì gia phả chữ Nho của chi trên cũng không còn do chiến tranh. Kết nối các dữ liệu từ gia phả chữ Nho, bản dịch quốc ngữ và hồi tưởng của ông trưởng tộc chi họ Trần ở Hiến Sơn, cộng với linh cảm của những người đi tìm họ thì đây rất có thể là nơi đã sinh ra đức Mạnh tổ tướng quân Trần Hữu Lý của dòng họ Trần Hữu tại Thanh Lĩnh. Tuy nhiên, việc nhận họ là cực kỳ quan trọng nên khi chưa có đủ dữ liệu để khẳng định, chưa ai dám đưa ra kết luận.

II. Tổ quán 
Như phần trên đã nói đến, sau nhiều đời Tộc trưởng cất công đi tìm nguồn gốc dòng họ không được nên thống nhất lấy đất Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An làm tổ quán với sự bắt đầu từ Mạnh tổ tướng quân Trần Hữu Lý. 
Thanh Chương là một huyện miền núi nằm ở phía tây nam thuộc tỉnh Nghệ An. phía tây nam giáp tỉnh Bolikhamxai của Lào; phía đông giáp huyện Đô Lương và Nam Đàn; phía tây bắc giáp huyện Anh Sơn; phía đông bắc giáp huyện Đô Lương; phía nam giáp huyện Hương Sơn. Huyện lỵ cách thành phố Vinh 50 km. Đây là huyện được UNESCO đưa vào danh sách các địa danh thuộc Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An. Thời thuộc nhà Minh, Thanh Chương là đất huyện Thổ Du phủ Nghệ An. Thời nhà Lê huyện được gọi là Thanh Giang, sau đổi thành Thanh Chương. Trong danh sách phủ huyện thời Hồng Đức (1479-1497) được chép trong Thiên Nam dư hạ tập vẫn còn chép là Thanh Giang. Năm 1490, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 thì Thanh Chương là một huyện thuộc phủ Đức Quang (cùng với Hương Sơn, La Sơn, Thiên Lộc, Nghi Xuân, Chân Phúc), xứ Nghệ An. Năm 1831, niên hiệu Minh Mệnh thứ 12, xứ Nghệ An tách thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Lúc đó huyện Thanh Chương nhập vào phủ Anh Sơn (gồm các huyện: Lương Sơn, Nam Đàn, Thanh Chương và Hưng Nguyên) thuộc tỉnh Nghệ An. Năm 1919, chính quyền thực dân phong kiến bỏ cấp phủ, huyện Thanh Chương trực thuộc tỉnh Nghệ An. Từ 1976-1991, huyện Thanh Chương thuộc tỉnh Nghệ Tĩnh. Từ 1991 đến nay, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Trong quyển Nghệ An kí Đốc học Bùi Dương Lịch có ghi rằng: "Thanh Chương phong tục địa phương khoáng đạt, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp; kẻ sĩ chăm chỉ đèn sách, trau dồi lễ nghĩa; dân làm nghề nông thì đàn ông chăm lo mùa vụ, đàn bà thì giữ gìn chính chuyên, hiền thục. Mọi người đều rất coi trọng lễ làng, phép nước, chuộng sự cần kiệm và đều coi trọng việc báo đáp công ơn đối với nhà vua cũng như cha mẹ là niềm vui". 
Thanh Lĩnh là một trong 40 xã, thị trấn của huyện Thanh Chương. Thời phong kiến, đất này được gọi là đất Thanh La. Thanh La là một xã có lịch sử khoảng 500 năm. Năm 1469, vua Lê Thánh Tông định lại bản đồ cả nước, trong đó đặt Thổ Du là huyện Thanh Giang thuộc phủ Đức Quang, thừa tuyên Nghệ An. 
Xã Thanh La đã được xác định nằm trong tổng Võ Liệt thuộc huyện Thanh Giang. Trong tổng số 22 xã, thôn của tổng Võ Liệt, Thanh La là 1 trong 3 xã thuộc tổng (xã Thanh La, xã Võ Lệt, xã Minh Quả), còn 3 xã khác (xã Hoàng Xá, xã Trung Lâm và xã Thái Nhã) gồm các thôn hợp lại. 
Thanh La là vùng đất nằm giữa 2 con sông Lam và sông Trai; phía tây nối với Tiên Hội, phân cách bởi các quả đồi; phía bắc giáp sông Lam, bên kia sông là Đại Định, Dinh Chu, Vịnh Giấy của tổng Đại Đồng, huyện Nam Đường; phía đông giáp sông Lam, bên kia sông là truông Dùng và xã Di Luân; phía nam giáp sông Trai, bên kia sông Trai là thôn Thượng Thọ và phía tây nam qua sông Trai giáp với thôn Hoà Quân. 
Thanh La là vùng đất có nhiều đồi núi thấp, đứng độc lập (rú Chùa, rú Chuối, rú Mồ, rú Tổi, rú Nát) và nhiều gò đất nổi lên giữa đồng ruộng (cồn Sanh, cồn Trửa, cồn Côốc, cồn Mọi), xen giữa các đồi là ruộng sâu, bậc thang (trọt, hói). Thanh La có cánh đồng rộng và sâu đó là Bàu. 
Do địa hình và dân số đông nên Thanh La từ xưa đã được thành lập cấp xã. Có 3 vùng đông dân nên Thanh La được lập 3 làng cách đây hàng trăm năm: 
Làng Bắc, 
Làng Nam, 
Làng Đông. 
Mỗi làng đều có đình làng để hội họp: Đình làng Bắc ở chân rú Chùa, Đình làng Nam ở đỉnh rú Mồ và Đình làng Đông ở gần bến đò Dùng. 
Nằm giữa 2 con sông nên ruộng đất của Thanh La rất màu mỡ, phù sa phủ dày hàng chục mét. Cây ăn quả lâu năm, phong phú như: mít, bưởi, cam, nhạn, dừa ... Đồng ruộng đa dạng, vùng sâu là đồng lúa phì nhiêu, vùng cạn là đồng màu tốt tươi. Đồng ruộng Thanh La quanh năm không nghỉ, mùa nào thức nấy. Tuy không nhiều để trở thành hàng hóa nhưng đủ để cung cấp cho người dân nơi đây. 
Thanh La không rộng nhưng cạnh sông, bìa rừng núi nên người dân ở đây đa ngành nghề. Ngày mùa làm việc trên đồng áng, lúc nông nhàn, “ngày ba tháng tám” vào rừng khai thác gỗ, tre, nứa vừa để dùng, vừa để chế biến thủ công phục vụ dân làng lân cận. 
Hiện nay, Thanh Lĩnh là 1 trong 8 xã được chọn làm điểm chỉ đạo của huyện về xây dựng nông thôn mới và là xã đạt được nhiều tiêu chí nhất (16/19 tiêu chí). Thanh Lĩnh được nối thông với vùng tả ngạn sông Lam bởi cầu treo Dùng và mới đây là cầu cứng vĩnh cửu, đang ngày càng phát triển cùng sự phát triển của đất nước.

to Top